Việc tiêm vắc xin HPV mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng, giúp phòng ngừa các bệnh như ung thư cổ tử cung, sùi mào gà, ung thư hậu môn, và các bệnh liên quan khác. Vậy giá tiêm HPV và khám sàng lọc trước khi tiêm là bao nhiêu? Hãy cùng Diag tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tiêm ngừa HPV từ lúc 9 tuổi có sớm quá không?
KHÔNG! Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất và đúng độ tuổi khuyến cáo, chính vì thế độ tuổi tiêm HPV mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất là độ tuổi sớm nhất từ lúc trẻ đạt 9 tuổi. Từ độ tuổi lên 9, trẻ đã bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì — một thời kỳ mà cơ thể có sự biến đổi rõ rệt. Con gái thường bắt đầu nổi mụn và có kinh nguyệt; con trai thì bắt đầu mọc râu và tăng trưởng chiều cao đáng kể. Không chỉ có sự thay đổi về thể chất, các em cũng bắt đầu trải qua những rung động tình cảm đầu đời, chú ý hơn đến hình thức bản thân để gây ấn tượng với người mình thích. Vì vậy, trong giai đoạn này, sự quan tâm và chăm sóc tinh tế từ phía cha mẹ là vô cùng quan trọng.
Đáng lưu ý, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu đang ngày càng trẻ hóa, đồng nghĩa với việc các em có nguy cơ nhiễm HPV từ sớm. Phụ huynh không nên có quan niệm con còn nhỏ mà lơ là việc phòng ngừa các bệnh liên quan đến HPV. HPV không lập tức biểu hiện thành bệnh ngay sau khi nhiễm, mà có thể ẩn náu và phát triển thành ung thư sau 15 – 20 năm ở những người có hệ miễn dịch bình thường. Nếu hệ miễn dịch bị suy giảm, thời gian này chỉ còn 5 – 10 năm. Nhiễm HPV dai dẳng có thể dẫn đến các căn bệnh ung thư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và tương lai của con trẻ.
Do đó, việc dự phòng HPV ở giai đoạn sớm, trước khi trẻ có nguy cơ tiếp xúc với virus sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Đừng để những căn bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ hay ung thư hầu họng đe dọa sức khỏe và tương lai của con trẻ. Hãy chủ động phòng ngừa HPV từ thời điểm vàng là lúc con tròn 9 tuổi và đưa con gặp bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa Hoa Kỳ (ACIP) (1), Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), CDC Hoa Kỳ…, trẻ em từ 9 tuổi đã có thể bắt đầu tiêm vắc xin ngừa HPV. Đặc biệt, nhóm tuổi từ 9 – 14 là độ tuổi tiêm HPV cần được ưu tiên bởi khả năng đáp ứng miễn dịch cao và bền vững hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn. (2)
Nghiên cứu của Mallory K. Ellingson và cộng sự thực hiện trong giai đoạn 2007 – 2022 cho thấy, hiệu quả vắc xin HPV ở độ tuổi 9 – 14 dao động từ 74 – 93%, trong khi ở nhóm tuổi 15 – 18 giảm xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 12 – 90%.
Đối với tính an toàn của vắc xin HPV khi tiêm nhóm trẻ 9 tuổi, theo thông tin kê toa của vắc xin ngừa HPV – Gardasil và Gardasil 9 (Mỹ) của công ty dược phẩm đa quốc gia Merck Sharp & Dohme , vắc xin được chỉ định tiêm ngừa cho trẻ từ 9 tuổi với tính an toàn đã được kiểm chứng. Hầu hết các phản ứng phụ xảy ra sau khi tiêm vắc xin là các phản ứng phụ thông thường như đau, sưng, chai cứng, ngứa, tăng nhạy cảm tại chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn… Những phản ứng phụ này thường nhẹ và tự giới hạn, thuyên giảm dần và biến mất hẳn sau vài giờ đến vài ngày. (3)
Tại Việt Nam, theo “Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung” vào năm 2019, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ em gái từ 9 – 14 tuổi trước khi có hoạt động quan hệ tình dục lần đầu.
Do đó, để tối ưu hiệu quả phòng ngừa các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và các chứng ung thư nguy hiểm do HPV gây ra, trong thời điểm trẻ vừa đủ 9 tuổi cần tiêm ngay và hoàn thành phác đồ chủng ngừa vắc xin HPV càng sớm càng tốt, trước khi trẻ có hoạt động quan hệ tình dục hoặc phơi nhiễm lần đầu với HPV.
Các lưu ý trước, trong và sau khi tiêm ngừa HPV
Tiêm HPV đúng lúc, kịp thời sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tránh gặp biến chứng, tác dụng phụ không mong muốn, trước, trong và sau khi tiêm ngừa HPV cần lưu ý những vấn đề sau:
Người lớn đi tiêm chủng cũng cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề sức khỏe của mình bao gồm các bệnh đã mắc, các loại thuốc – liệu pháp điều trị đang dùng, loại vắc xin đã tiêm gần đây (trong vòng 4 tuần) và phản ứng của cơ thể ở những lần tiêm chủng trước. Riêng với nữ giới cần thông báo với bác sĩ về khoảng thời gian dự định mang thai để bác sĩ có tư vấn, chỉ định phù hợp.
Vì sao người trên 27 tuổi cần tiêm chủng HPV?
Theo các chuyên gia y tế, khoảng 25% nam giới và 20% nữ giới trong độ tuổi 18 – 59 bị nhiễm các tuýp HPV nguy cơ cao gây ung thư. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và cơ thể có khả năng tự đào thải virus sau 6 – 24 tháng. Tuy nhiên, khoảng 20% số ca nhiễm HPV không được đào thải hoàn toàn, dẫn đến sự phát triển của mụn cóc sinh dục sau 6 – 10 tháng và sau khoảng 20 – 25 năm phát triển âm thầm, các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ, hầu họng sẽ xuất hiện và gây ra các gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Đặc biệt, HPV có khả năng tái nhiễm, nghĩa là sau khi cơ thể đã đào thải virus, người bệnh vẫn có thể nhiễm lại.
Trong khi đó, độ tuổi 27 – 45 là giai đoạn mà nhiều người có xu hướng hoạt động tình dục mạnh mẽ, thậm chí một số người có đời sống tình dục “phóng khoáng” và thiếu an toàn, là điều kiện thuận lợi cho HPV lây truyền. Do đó, việc tiêm vắc xin HPV ở nhóm tuổi này không chỉ bảo vệ người tiêm chống lại các chủng HPV nguy cơ cao mà còn ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm các chủng HPV chưa bị nhiễm có trong vắc xin, đồng thời phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm HPV, đặc biệt ở những người có nhiều bạn tình. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí liên quan đến điều trị các bệnh do HPV gây ra.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu lâm sàng về vắc xin Gardasil 9 cho thấy hơn 99% người tiêm có huyết thanh dương tính, tức là có kháng thể bảo vệ đối với tất cả 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) trong vắc xin vào tháng thứ 7 sau khi tiêm chủng (tức 1 tháng sau khi hoàn thành phác đồ). Điều này chứng minh rằng, độ tuổi tiêm HPV từ 27 – 45 có đáp ứng kháng thể hoàn toàn không thua kém so với nhóm tuổi 16 – 26.
Vì vậy, tiêm ngừa HPV cho người trên 27 tuổi là vô cùng cần thiết nhằm phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm do HPV gây ra. Việc này đảm bảo sức khỏe tình dục và giảm thiểu các nguy cơ ung thư liên quan đến HPV, làm tăng chất lượng cuộc sống.
Đã quan hệ tình dục có cần tiêm vắc xin HPV không?
CÓ! Dù bạn là nam hay nữ, đã quan hệ tình dục hay đã sinh con hay chưa, thậm chí bất kể tình trạng đã nhiễm HPV, miễn bạn vẫn còn trong độ tuổi tiêm HPV từ 9 – 45 tuổi, việc tiêm vắc xin HPV vẫn rất cần thiết và mang lại hiệu quả miễn dịch cao. Ngay cả khi bạn đã từng nhiễm một hoặc một số tuýp HPV, việc tiêm vắc xin HPV vẫn cung cấp khả năng sản sinh kháng thể đặc hiệu, chủ động bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc các tuýp HPV khác có trong vắc xin. Quan trọng hơn, các kháng thể sinh ra sau khi nhiễm trùng HPV tự nhiên chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và không bền vững. Do đó, việc tiêm vắc xin HPV còn đóng vai trò ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm các tuýp HPV đang nhiễm hoặc đã nhiễm trước đây.
Ngoài ra, trước khi tiêm vắc xin, không cần phải tiến hành xét nghiệm xác định sự hiện diện của HPV hay phân loại tuýp HPV đang bị nhiễm. Chỉ cần đảm bảo tình trạng sức khỏe đạt yêu cầu, việc tiêm vắc xin HPV cho những người đã quan hệ tình dục đến 45 tuổi hoàn toàn có thể tiến hành.