Tôi biết đến Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên qua các truyện ngắn của Aziz Nesin - Những người thích đùa. Sau đó ở Ba Lan năm1991, tôi được biết họ qua cộng đồng Thổ di cư chuyên buôn bán chợ búa với những đặc điểm chịu khó, khôn lanh và lừa đảo rất khéo. Tuy nhiên, hàng hóa họ làm ra (đa số là hàng may mặc, trang sức) thì đã ở tầm vượt trội so với Việt Nam, Trung Quốc và tất nhiên là cả Liên Xô. Sau này khi sang Đức, tôi lại gặp họ là những người nhập cư lầm lũi chịu khó làm rất nhiều nghề, sinh hoạt khá khép kín với những nét văn hóa Thổ giữa nền văn minh Tây Âu.

Eo biển Bosphorus huyền thoại và cây cầy nối liền 2 châu lục Á – Âu

Đến Istanbul, bạn không nên bỏ qua eo biển Bosphorus gắn với những huyền thoại Hy Lạp cổ về mối tình vụng trộm giữa Thần Dớt với nữ thần tên Io. Để giúp nữ thần trốn thoát, Dớt đã biến Io thành một con bò để bơi vượt eo biển về vùng Ai Cập an toàn. Tên Bosphorus có nghĩa gốc là nơi con bò vượt biển…

Để ngắm trọn vẻ đẹp tự nhiên hút hồn của eo biển Bosphorus, du khách có thể đi du thuyền dọc eo biển. Có khá nhiều cách để du khách có nhu cầu ngắm vùng eo biển, nhưng rẻ nhất, tiện nhất là đi theo chuyến ferry công cộng với giá rất bình dân khoảng 10$ (xem ảnh kèm).

Hai bên bờ eo biển trải dài khoảng 30 km là những cung điện, đền đài, công sở, trường học, nhà dân tích tụ hàng nghìn năm phát triển. Chúng trên cả mức tuyệt vời. Những cung điện xa hoa, lộng lẫy từ thời Ottoman, trong đó có cùng điện được dát hàng mấy tấn vàng để trang trí, những trường học rộng rãi, khang trang, những nhà thờ Hồi giáo với 4 tháp nhọn vút cao, những biệt thự, chung cư san sát, kiến trúc độc đáo, hài hòa, tỏ rõ sự giàu có, thịnh vượng của một quốc gia có nền văn hóa lâu đời…

Bên cạnh các cảnh sắc ở 2 bên bờ, bạn còn có thể nhìn thấy cầu Bosphorus nối liền 2 châu lục Á – Âu. Nếu đi bằng ferry công cộng, bạn sẽ được đi chui qua cây cầu Bosphorus 1 là cây cầu treo đầu tiên nối eo biển Á – Âu khành thành năm 1973. Về sau Thổ còn xây theem cây cầu thứ 2 và một hầm ngầm qua eo biển.

Bosphorus không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ mà với vị trí địa lý chiến lược của mình, là tuyến đường biển duy nhất nối liền Địa Trung Hải và biển Đen. Nghĩa là, hải quân, giao thông biển của những nước vùng Biển Đen như Nga, Ukraina, Georgia, Bungari, Romania… hoàn toàn lệ thuộc vào eo biển này. Từ xa xưa, Bosphorus đã là một trong những tuyến giao thông và cảng biển thương mại sầm uất nhất thế giới. Mỗi năm có tới gần 50.000 tàu thuyền tấp nập qua vùng biển này, thường xuyên nhất là các tàu container chở hàng và tàu quân sự của các nước như Ukraina, Georgia, Bulgaria, Romania, Nga…Thời gian để thăm thú Bosphorus ít nhất là nửa ngày. Nếu bạn đi cả những cung điện và thắng cảnh trên bờ thì 2-3 ngày chưa đủ.

Khu nhà thờ - hoàng cung cổ nằm ven bờ eo biển Bosrophur

Thổ Nhĩ Kỳ đấy ắp các di tích lịch sử chồng lấn hàng mấy nghìn năm với các nền văn minh càn qua quét lại. Riêng ở TP Istanbul khắp nơi ta đều được chứng kiến những nhà thờ cổ, pháo đài xưa xen lẫn với những khu nhà lịch lãm và ngăn nắp. Tuy nhiên, khu di tích lịch sử bắt buộc phải đi là khu nhà thờ - hoàng cung cổ nằm ven bờ eo biển Bosrophur. Khu lịch sử này đến nay vẫn được bảo tồn khá tốt với những công trình tuổi đời trên nghìn năm, có được tôn tạo lại. Có 5 công trình đều kỳ vĩ. Đi hết 5 công trình này không phải 1 ngày mà phải 2 ngày mới tạm gọi là xem qua.

1/ Topkapi Palace chính là cung vua mấy chục đời thời Đế chế Ottoman nằm trọn vẹn giữa một khu đất cao và đẹp bao bọc bởi cả một dải công viên rộng lớn. Hiện nay cung điện Topkapi trở thành bào tàng quốc gia với cả chục cung điện nhỏ bên trong và có lính gác kiểu truyền thống.

2/ Nhà thờ Hagia Sophia nổi tiếng. Đây là nhà thờ chính thống giáo lớn nhất và đầu tiên của Thế giới và được bảo tồn, tôn tạo rất đẹp. Một thời kỳ nhà thờ này được biến thành một nhà thờ hồi giáo cho nên ta thấy có 4 tháp cao 4 góc phia sngoaif được xây theo motiv Hồi giáo. Hiện nay nó là một bảo tàng hấp dẫn với những di sản có một không hai tren các họa tiết, vòm cung, hầm ngầm và tranh vẽ...

3/ Đối diện với Hagia Sophia là nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng Sultan Ahmet (vẫn gọi là Blue Mosque do tường nhà thờ xây đá xanh). Nhà thờ này vẫn đang hoạt động như một nhà thờ hồi giáo lớn của Istanbul.

4/ Khu lăng mộ các đời vua nằm ngay cạnh Hagia Sophia, nơi còn lưu giữ mộ và xác ướp trong quan tài của hàng chục vị vua Ottoman và vợ con...

5/ Khu di tích nhà tắm cổ dưới lòng đất rất xa xưa, nơi có bức tượng kỳ vĩ và linh thiêng, Chỗ này gọi là Basilica Cistern nằm cách khu nhà thờ khoảng 1km

Grand Bazaar ở Istanbul có từ thời “con đường tơ lụa”, là một trong những thương xá có mái che lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Chợ có 61 đường phố và hơn 4.000 cửa hàng thu hút từ 250.000 đến 400.000 du khách mỗi ngày. Chợ được liệt kê số 1 trong số các điểm thu hút khách du lịch tham quan nhiều nhất trên thế giới với 91.250.000 du khách hàng năm.Grand Bazzar nằm ngay khu trung tâm, gần xịt bên cạnh nhà thờ Blue Mosque Việc xây dựng Grand Bazaar lần đầu từ năm 1455. Sau nhiều lần biến động bởi hỏa hoạn và động đất, chợ có hình hài như ngày nay là được xây dựng lại vào năm 1894.Đến thăm Istanbul, không thể không ghé thăm khu chợ nổi tiếng này.Nó thật choáng ngợp bởi sự toàn mỹ, nhộn nhịp và hào nhoáng.Nó là khu chợ điển hình của một văn minh buôn bán có từ thời xa xưa và phát triển cho đến ngày nay.Ở chợ, có thể mua lẻ, mua buôn các hàng hóa phong phú và đặc sắc của nền văn minh Thổ Nhĩ Kỳ với những đồ gốm, đồ dệt, đồ sắt, đèn thần, gia vị các loại.Bạn có thể tìm thấy dừa khô, chanh lát, xả khô, đến dầu ô liu, trầm hương, dầu tràm cũng như đèn thần alibaba, thảm Kasmir và quần áo hiện đại, truyền thống...Văn hóa bán hàng của Thổ giống các nước đạo Hồi là 100% người bán hàng là đàn ông - những người đàn ông dễ thương, lành nghề, chuyên nghiệp, rất giỏi mời chào, thuyết phục, mặc cả và mách mối bán hàng...Chợ đúng là xã hội thu nhỏ của cả một nền văn minh sản xuất và buôn bán có đẳng cấp cao trên thế giới...

Lưu trú tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ và Istanbul nói riêng là thành phố chuyên nghiệp về du lịch rồi, do vậy chuyện đi lại, phố xá và chỗ nghỉ thuận lợi vô cùng.Trước đây, sân bay chính là Atartuk, việc đi lại giữa sân bay và khu phố lịch sử, khu nhà nghỉ rất thuận lợi bằng tàu điện số 1. Nay sân bay mới cách Istanbul 50km việc đi lại cũng rất dễ dàng bằng Metro, Shutle Bus hay taxi.Phố xá và giao thông công cộng ở Istanbul rất thuận tiện cho khách du lịch với các phương tiện metro, tàu điện, bus và ferry sông biển.Khách du lịch có thể ở 3 khu tùy gu du khách.

1/ Khu Old City (đang phục hồi chư xong hết nhưng rất nhiều khách sạn mini ở được rồi). Khu này không nhiều khách sạn nhưng giá rẻ, vị trí ngay cạnh Sultahamet và Hagia Sophia (đi dạo chơi ra đó ban đêm được) , cảnh đẹp, yên tĩnh, giao thông tương đối ổn (đi bộ hơi xa từ bến tàu điện), hơi xa khu chợ và thương mại. Ở khu này toàn những khách sạn kiểu nhà truyền thống Thổ và Âu (Anh). Những người thích yên tĩnh, tìm hiểu lịch sử hoặc chụp ảnh đêm khu lịch sử ở đây là đẹp nhất.

2/ Khu Sirkeci rất nhiều khách sạn quanh ga xe lửa ra tận gần bến tàu Sirkeci. Khu này dịch vụ ăn uống rất nhiều và phố xá tấp nập đến đêm, đi lại thuận tiện. Tối có thể ra bờ biển bến Sirkeci dạo.

3/ Khu phố cũ Taksim - Gatala bên kia cầu Atartuk là khu khách du lịch ba lô hay ở với phố chợ truyền thống, tháp cổ Gatala, hàng quán suốt ngày đêm nhộn nhịp.Khách cao cấp ở các khách sạn 4-5 sao thì phải ở xa hơn, thường là các khách sạn lớn bên bờ eo biển Borphorus.

Đến Thổ Nhĩ Kỳ, nếu có đủ thời gian khoảng 1 tuần trở lên thì ngoài Istanbul địa điểm tiếp theo phải là Capadocia.Capadocia là một vùng đất đặc biệt với những rặng núi đá cổ, trải qua hàng triệu năm biến động địa chất, thủy văn, bị bào mòn thành những thung lũng đủ sắc thái với những cột đá, vách đá hình thù kỳ dị trên những hẻm núi hiểm trở hoặc xen kẽ những thửa ruộng có thể trồng cấy cây ăn quả...Về địa mạo, thời xưa vùng này có thời là biển cả với những đợt phun trào nham thạch tạo nên các dãy núi đá đặc trưng, rồi nước biển bào mòn các thớ đá như bao bờ biển khác. Nhưng sau đó đáy biển dâng cao, biến cả vùng thành một vùng khô cạn nhưng những dấu tích của bờ đá bị bào mòn thành những hình thù kỳ quái thì vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Về lịch sử, Capadocia còn là nơi trú ngụ của người dân La Mã khi chạy trốn khỏi kinh thành trong đợt đàn áp Thiên của giáo. Rồi người Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) tràn đến chiếm cứ khu vực này cho đến ngày nay. Đây là vùng đất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa từ rất sớm (1985). Nó thật kỳ bí vào loại bậc nhất thế giới vì tính độc đáo, diễm lệ và huyền bí. Từ Istanbul phải bay mất 2 tiếng để đến vùng đất huyền bí này. Hoặc đi xe bus thì phải đi qua Ankara.Capadocia tập trung khu thắng cảnh ở quanh vùng TP Goreme. Đi lại trong vùng hẹp Goreme và phụ cận có thể đi xe hơi, theo tour (Red Tour) nhưng thú nhất là thuê xe máy hay xe scooter 4 bánh đi vòng vòng các thung lũng mà nghe tên đã thấy thú vị: Thung lũng bồ câu, thung lũng tình yêu, thung lũng hoa hồng, thung lũng nàng tiên, thung lũng động đất...

Đến vùng Capadocia, nếu bạn ở khu vực trung tâm như Goreme, Nevsiher... mà có đủ 1 ngày rỗi rãi đi chơi vùng xung quanh thì lựa chọn tốt nhất là đi theo tour 1 ngày gọi là Green Tour.Người ta gọi tên Green tour để phân biệt ngay với Red Tour là đi chính vùng lõi của khu vực (các cột đá tôi đã giới thiệu ở banif trước. Green Tour đi về vùng phía Nam hơn 100km tới tận thung lũng và hẻm núi Ihlara Valley với những thảo nguyên mênh mông cỏ mọc hoặc trồng lúa mỳ, hẻm núi bên con sông chảy qua Ihlara kỳ vĩ. Trên đường, chúng ta sẽ được thăm khu định cư cổ trên núi với những di tích cổ những ngôi nhà, nhà thờ đào sâu vào trong núi. Rồi thăm cả một thành phố ngầm trong lòng đất như một hầm mỏ thực sự. Khu thành phố ngầm chính là phương thức định cư của một thời kỳ đầu công nguyên của các cộng đồng phải chạy trốn quân xâm lược...Ở vùng này, chúng ta sẽ được gặp những con người Thổ Nhĩ Kỳ quê kệch mang đúng những nét đặc trưng của dân tộc này. Ở vùng Capadocia thú nhất là ở khách sạn và bay khinh khí cầu. Rất độc đáo và đẹp. Nếu đi đoàn lẻ, nên chọn chính trung tâm Goreme để nghỉ với những khách sạn nhỏ nhỏ đào vào trong núi hoặc tựa núi và bao giờ cũng có tên Cave kèm theo. Bạn sẽ được ở trong một phòng Cave có 1 mặt là tựa vào núi, mặt tiền sẽ có một ban công thơ mộng ngắm được cảnh thành phố nhỏ bé Goreme hoặc nhìn xuống thung lũng. Ban công của các Khách sạn này thường được ngăn độc lập với phòng ngủ chính, to rộng đến gần chục mét vuông với bàn, ghế dài, ghế ngắn trải thảm ba tư để bạn có thể nằm dài trên ghế ăn sáng, ăn tối hoặc uống trà ngắm cảnh... Phòng ăn của các khách sạn này bao giờ cũng có một khoảng lớn sân trời trên sân thượng hay sân trời ngắm cảnh đêm hoặc sáng tuyệt vời.Muốn đẹp, bạn phải chọn các khách sạn cao trên vùng cao của thị trấn Goreme. Đó chính là các khách sạn ở vùng phía bắc và tây của Trung tâm thị trấn...

Buổi sáng sớm bạn có thể thưởng thức bay 1 chuyến Khinh khí cầu được mệnh danh là đẹp nhất Thế giới với thời gian bay 1 tiếng từ khoảng 6-7 giờ. Bãi đỗ Khinh khí cầu nằm ở bãi đất đồi phía đông Trung tâm. Các KKC của các khách sạn và nhà bay chuyên nghiệp từ sáng sớm phải được chở bằng xe mooc tải nhỏ cũng xe chớ khách bay đến bãi đỗ, bơm khí Heli để bay 1 vòng ngắm thành phố và toàn khu cao nguyên đá. Sau khi hạ cánh các xe hơi lại trả khách và kéo KKC về khách sạn...

Đoàn Báo Nhân Dân đã có những ngày tác nghiệp không thể quên tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Báo Nhân Dân cử các phóng viên từ Việt Nam đến các điểm nóng quốc tế, nhằm mang đến cho bạn đọc những sản phẩm báo chí chân thực, đặc sắc trên các nền tảng: báo in, báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội...

Rạng sáng 6/2, trận động đất lịch sử tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng chục nghìn người tử vong, hàng nghìn công trình đổ sập. Chưa đầy 1 tuần sau thảm họa, Việt Nam cử các đoàn cứu hộ, cứu nạn sang để chung tay chia sẻ khó khăn với nước bạn.

"Chiều 9/2, tôi nhận nhiệm vụ đưa tin về lễ xuất quân của 24 chiến sĩ Bộ Công an lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Vào thời điểm ấy, tôi chỉ mong mình cũng có được cơ hội đến Thổ Nhĩ Kỳ để tác nghiệp”, phóng viên ảnh Trần Thành Đạt chia sẻ.

Phan Hải Tùng Lâm cùng những đứa trẻ Syria tại ngoại ô thành phố Antakya, Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ).

Phan Hải Tùng Lâm cùng những đứa trẻ Syria tại ngoại ô thành phố Antakya, Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ).

Cùng chung tâm trạng này, Phan Hải Tùng Lâm, biên tập viên Truyền hình Nhân Dân thường trú tại Đà Nẵng kể: Ngay sau khi biết tin về thảm họa động đất, Lâm đã “tưởng tượng” và ước mơ về việc được đưa tin từ điểm nóng quốc tế.

Với định hướng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã quyết định thành lập một tổ công tác trực tiếp tới Thổ Nhĩ Kỳ với 4 nhân sự. Đây cũng là lần đầu tiên báo cử phóng viên từ Việt Nam đến các điểm nóng quốc tế để tác nghiệp với quyết tâm trực tiếp đưa những thông tin sinh động, chân thực nhất dưới nhiều góc độ khác nhau tới bạn đọc.

Nhớ lại thời điểm này, Tùng Lâm cho hay: “Một ngày giữa tháng 2, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo yêu cầu sẵn sàng tinh thần để đi tác nghiệp tại vùng thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ấy, tôi vừa lo, vừa háo hức vì đây có lẽ là cơ hội có một không hai trong cuộc đời làm báo. Ngay hôm sau, tôi sắp xếp nhờ người trông con rồi di chuyển ra Hà Nội để sẵn sàng lên đường”.

Trong khi đó, Nguyễn Hồng Quân, quay phim, không giấu nổi lo lắng. Anh cho biết, mặc dù đã từng tác nghiệp tại nhiều sự kiện lớn cả trong và ngoài nước, nhưng lần này lại rất khác biệt.

Quay phim Hồng Quân bế trên tay bé Marie (2 tuổi) khi cô bé cùng gia đình tới khu vực đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân để xin thực phẩm.

Quay phim Hồng Quân bế trên tay bé Marie (2 tuổi) khi cô bé cùng gia đình tới khu vực đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân để xin thực phẩm.

“Trong vòng hơn 1 tuần tới, chúng tôi sẽ có mặt tại khu vực nóng nhất thế giới. Điều kiện làm việc, ăn ở, di chuyển cũng như khoảng cách ngôn ngữ chắc chắn sẽ là những rào cản lớn. Anh em trong đoàn chỉ cố gắng động viên nhau trước giờ lên đường. Tất cả đều xác định: Bằng mọi giá không thể phụ sự kỳ vọng của cơ quan, của bạn đọc”.

Gần 1 tuần tiếp theo, cả nhóm sống trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Công tác hậu cần, liên hệ làm thủ tục tác nghiệp… cũng được gấp rút tiến hành. Người chuẩn bị lên đường thì háo hức. Những người ở nhà thì ngổn ngang hàng trăm nỗi lo, không chỉ liên quan tới công việc mà còn về cả sự an toàn của đoàn công tác.

“Tin tức là cần thiết, nhưng tính mạng và sức khỏe mới là ưu tiên hàng đầu. Đó là điều tất cả các đồng chí lãnh đạo đã căn dặn chúng tôi mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, đồng nghiệp ở các ban còn tự tay mua đồ ăn khô, thuốc, còi báo động, đèn pin… gửi cho đoàn. Đó thực sự là những ngày đáng nhớ”, phóng viên Thành Đạt kể lại.

Niềm vui của lũ trẻ khi lần đầu tiên được thấy mình trong máy ảnh của phóng viên Thành Đạt.

Niềm vui của lũ trẻ khi lần đầu tiên được thấy mình trong máy ảnh của phóng viên Thành Đạt.

Ngày 21/2, tổ công tác lên đường khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hứng chịu những trận động đất tiếp theo. Do đó, đoàn sẽ phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ: Ghi nhận hậu quả của động đất thông qua những câu chuyện, con người, thân phận cụ thể; đồng thời phản ánh nỗ lực và quyết tâm của quốc gia này để vượt qua thảm họa với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Hành lý của chuyến đi ngoài thực phẩm khô (chủ yếu là mỳ tôm), quần áo rét thì thứ “nặng ký” nhất chính là máy móc phục vụ công việc. Tổng cộng, 6 chiếc máy tính xách tay, 3 ổ cứng di động, 3 máy quay, 2 máy ảnh cùng gần 10 bộ sạc dự phòng, dây chuyển nguồn, đèn chiếu sáng cùng hàng chục kg máy móc khác đã được cả đoàn chia nhau xách tay lên máy bay.

“4 người trong đoàn đã được cơ quan lựa chọn trong số hàng chục phóng viên tình nguyện đi Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, chúng tôi không thể để lỡ bất cứ một khoảnh khắc nào chỉ vì sự cố máy móc”, kéo theo một balo nặng tới hơn 30kg trên đường lên máy bay, Hồng Quân chia sẻ.

Trên chuyến bay hướng tới Istanbul, tất cả mọi người đều cố gắng cười và động viên nhau ngủ. Dù không ai nói với ai, nhưng dường như sâu trong ánh mắt, một nỗi lo lắng âm thầm đang bắt đầu xuất hiện.

Phải mất 3 chuyến bay liên tiếp trong vòng gần 24 giờ, đoàn công tác mới tới được Adana, địa điểm cách khu vực tác nghiệp đầu tiên hơn 200km. Rạng sáng, ngay khi đặt chân xuống sân bay địa phương, tất cả vội vã gom hành lý rồi chất đầy lên chiếc xe bán tải đã chờ sẵn rồi lại ngay lập tức tiếp tục lên đường tới tâm chấn.

“Gần như không có thời gian để nghỉ. Sau khi đáp xuống Istanbul, chúng tôi có đúng 1 tiếng 15 phút để vừa làm thủ tục nhập cảnh, vừa lấy hành lý và tiếp tục di chuyển sang sảnh nội địa để bắt kịp chuyến máy bay tiếp theo. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong có mặt thật nhanh tại khu vực tỉnh Hatay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất đầu tháng 2”, ngồi trên cabin xe đang rung lắc, Tùng Lâm lo lắng nói.

Sau chừng 3 giờ, Tùng Lâm và 3 đồng nghiệp tới được khu vực đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ công tác chỉ kịp gặp và thực hiện phỏng vấn nhanh lãnh đạo đoàn trước khi đoàn cứu hộ trở về nước. Lúc này, hầu hết các đoàn quốc tế cũng rút dần khỏi Hatay. Cả khu vực sân vận động tỉnh này vốn bạt ngàn các dãy lều trại trong vòng vài giờ đã trống trơn. Chỉ còn duy nhất chiếc lều cả nhóm xin được của nước bạn nằm lọt thỏm lại giữa mênh mông.

Cần phải có một lá Quốc kỳ. Cờ đỏ sao vàng sẽ là biểu tượng nối dài cho sự hiện diện của Việt Nam trên đất bạn; đồng thời cũng là nguồn động viên tinh thần cho cả 4 thành viên trong những ngày sắp tới. Nghĩ thế, chúng tôi đã xin lại một lá cờ của các chiến sĩ quân đội, rồi trang trọng cắm lên trước cửa lều.

Phóng viên Hồng Quân tác nghiệp tại khu vực đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam.

Phóng viên Hồng Quân tác nghiệp tại khu vực đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam.

“Chúng ta hiện là những người Việt Nam, cũng là những phóng viên trong nước duy nhất có mặt tại Hatay. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để tác nghiệp”, Tùng Lâm nói với các thành viên trong buổi họp đầu tiên trên đất bạn.

Lạc quan là thế, nhưng những khó khăn chưa từng hình dung lần lượt xuất hiện. Rào cản đầu tiên tưởng chừng không thể vượt qua chính là tại thời điểm đoàn có mặt tại Hatay, phía địa phương… đã bắt đầu hạn chế cho phép các nhà báo quốc tế tiếp cận hiện trường, bất chấp việc đã được cấp thẻ tác nghiệp trước đó. Ngay lập tức một thành viên được cử nhiệm vụ liên lạc trực tiếp với cán bộ Đại sứ quán để tìm cách tháo gỡ. Song song, 3 người còn lại chia nhau đi tác nghiệp, ghi chép tất cả những gì có thể khai thác chung quanh khu vực lều trại của mình. Kế hoạch lớn có nguy cơ đổ bể ngay từ đầu.

Bữa tối đầu tiên trên đất khách, không ai buồn nấu mỳ tôm để ăn. Tâm trạng lo lắng chỉ được phá vỡ khi tới 19 giờ (giờ địa phương), cán bộ Đại sứ quán nhắn tin: Ngày mai, cả đoàn đã được phép vào Antakya, thủ phủ của Hatay, đồng thời cũng là nơi bị phá hủy nặng nề nhất bởi động đất.