Đó là những lời chia sẻ của Mỹ Dung, người phụ nữ gắn với rất nhiều danh xưng. Cô là chuyên gia truyền thông và đồng sáng lập tổ chức Ruy Băng Tím nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư, là tác giả sách tranh thiếu nhi với nhiều đầu sách được xuất bản, là người điều hành doanh nghiệp… Ở độ tuổi 30, Mỹ Dung đã kịp nếm trải những thành tựu lớn lao, khi bộ sách Ung thư – Tin đồn và sự thật do tổ chức Ruy Băng Tím của cô biên soạn vừa được trao giải thưởng sách Quốc gia, nhiều đầu sách thiếu nhi do cô viết đã được các bạn đọc nhỏ đón nhận nhiệt tình, chưa kể vai trò “cô giáo Hán cổ” cũng nhận được sự quý trọng của nhiều bạn trẻ và đang góp một phần nhỏ vào việc lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến với cộng đồng.

HIỂU VĂN HÓA ĐỂ HIỂU CHÍNH MÌNH

“Những ngày giãn cách xã hội, tôi sống một mình với rất nhiều thời gian để nghĩ về bản thể của mình. Và trong chính sự băn khoăn với những câu hỏi dành cho bản thân đó, tôi đã có cơ hội để kết nối với những người trẻ qua một ứng dụng cho phép lập ra những phòng trò chuyện chỉ có âm thanh, không có hình ảnh. Tôi nhận ra, dù là bất kỳ ai, mong mỏi biết được về chính mình luôn là điều hiện hữu”. Dung hồi tưởng lại lý do khiến cô bắt đầu hành trình mới của mình.

Phòng trò chuyện của cô ban đầu là để giúp mọi người giải thích ý nghĩa cái tên của họ và khuyến khích họ tự xác định và khẳng định bản thể. “Ví dụ như tên tôi là Mỹ Dung, được gia đình đặt cho với mong muốn tôi sẽ có một nhan sắc xinh đẹp. Nhưng sau này, lớn lên, tôi cảm thấy chữ Dung ấy không nhất thiết phải chỉ nhan sắc bên ngoài, mà nên được hiểu là sự bao dung, tha thứ”. Những chia sẻ vui vẻ này, không chỉ giúp Mỹ Dung thấy rằng kiến thức Hán Nôm của cô không hẳn là phí hoài, mà còn cho cô một thức nhận lớn lao hơn. Cô thấy rằng chúng ta có thể sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, có những khát vọng khác nhau và những thử thách khác nhau, nhưng trước hết, chúng ta vẫn là người Việt. Được biết về văn hóa Việt, được tự hào về thế giới văn hóa đã nuôi dưỡng gia đình và bản thân mình là nhu cầu tự nhiên của con người, dù không phải ai cũng nhận ra hay để ý tới điều đó. Hiểu rõ rằng chữ Hán không chỉ khó, mà còn là văn hóa ngoại nhập, Dung đồng thời cũng nỗ lực giới thiệu văn hóa dân gian đến với người trẻ.

Từ xuất bản, cô bắt đầu thử những phương thức truyền thông khác để giúp người trẻ có thêm cơ hội học về văn hóa Việt Nam thông qua dự án Vacine Văn Hóa. Cô và đồng sự của mình để khán giả tự tìm kiếm những đề tài họ muốn tìm hiểu, sau đó thực hiện những cuộc trò chuyện để họ thấy văn hóa là một quá trình tiếp biến, là sự biến đổi liên tục để có thể thích ứng với thay đổi xã hội, để họ có thể nhìn ra được căn nguyên lý do của những hoạt động văn hóa truyền thống vẫn được duy trì đến tận ngày nay của người Việt. Và cũng bất ngờ thay, những hoạt động vì cộng động này lại giúp Mỹ Dung nhận ra chính mình: “Hóa ra, tôi đã vốn luôn lưu tâm đến những điều này từ ngay buổi đầu sự nghiệp của mình. Các cuốn sách tranh tôi viết cho trẻ em luôn lấy bối cảnh đồng quê, và khi làm việc với họa sĩ minh họa, tôi luôn nhờ họ vẽ nhân vật mặc trang phục truyền thống. Có lẽ, đó chính là căn tính Việt Nam trong tôi, dù chính tôi không nhận ra”.

Sự thấu hiểu về chính mình lại tiếp tục cho Mỹ Dung động lực để sáng tạo và đóng góp. Cô chỉ ra rằng thị trường sách cho trẻ em ở Việt Nam có quá nhiều sách dịch và trao quá ít cơ hội cho tác giả và họa sĩ minh họa Việt Nam. Cô đang phát triển một dòng sách tâm lý cho trẻ em để không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh cũng có cơ hội hiểu các trạng thái cảm xúc của trẻ nhỏ, và học cách chấp nhận mọi cảm xúc, dù đó là tích cực hay tiêu cực. Dòng sách này có thể trải dài từ những cảm xúc đơn giản đến những chứng rối loạn tâm lý và những hướng giải quyết phù hợp. Một dòng sách khác cũng nằm trong kế hoạch của cô là dòng sách sức khỏe thường thức, nhắm đến việc chăm sóc cơ thể hàng ngày từ thiếu nhi đến người cao tuổi. Bên cạnh đó, nỗ lực để lưu giữ và nâng cao hiểu biết về văn hóa dân gian Việt Nam của cô vẫn sẽ được tiếp tục với một BST sách kể lại các câu chuyện thần thoại dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng và minh họa chính xác.

Dung hiểu rõ cô có tham vọng đóng góp lớn, và không thể làm được mọi thứ một mình. “Tôi may mắn luôn có những người giỏi giang đồng hành cùng mình. Tôi biết ơn họ, biết ơn cuộc sống của mình. Và đó là điều góp phần mang lại cho tôi sự hạnh phúc”.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Iceland vẫn là quốc gia bình đẳng giới nhất hành tinh, vị trí mà nước này đã liên tục nắm giữ kể từ năm 2009.

Thủ tướng Iceland Jakobsdottir cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng phụ nữ lãnh đạo thế giới. Ảnh: mpowerenergy.com

Báo cáo của WEF thống kê 14 tiêu chí thuộc 4 nhóm: Cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, giáo dục, sức khỏe và sự trao quyền chính trị. Mười vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng thể hiện sự tiến bộ vượt trội về bình đẳng giới của các nước: Iceland, Phần Lan, Na Uy, New Zealand, Thụy Điển, Namibia, Rwanda, Litva, Ireland, Thụy Sĩ.

Iceland đứng đầu trong danh sách 156 quốc gia vì thực hiện rất tốt việc trao quyền chính trị cho phụ nữ. Hồi năm 2016, “bóng hồng” từng chiếm tới gần 48% tổng số nghị sĩ tại đảo quốc này. Ngày nay, tỷ lệ đó giảm xuống 39,7%, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều nước khác, chẳng hạn như Mỹ chỉ có 23,7% nghị sĩ quốc hội là phụ nữ. Ngoài ra, 40% vị trí bộ trưởng của Iceland cũng thuộc về phái yếu. Bà Katrin Jakobsdottir, 45 tuổi, hiện là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Iceland. Iceland cũng là quốc gia đầu tiên có nữ tổng thống do dân bầu. Cụ thể, năm 1980, bà Vigdis Finnbogadottir đã trở thành tổng thống thứ 4 trong lịch sử Iceland và là nữ nguyên thủ dân cử đầu tiên trên thế giới. Bà Finnbogadottir đảm trách vị trí này trong 16 năm và giữ kỷ lục là nữ nguyên thủ dân cử cầm quyền lâu nhất.

Về vấn đề bình đẳng tại nơi làm việc, Iceland là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các công ty phải chứng minh họ không trả lương cho phụ nữ thấp hơn nam giới, khi luật về trả lương bình đẳng ở nước này có hiệu lực vào năm 2018. Trong khi hành động trả lương khác nhau cho nam và nữ làm cùng một công việc là trái pháp luật tại nhiều nước, nhưng không ít công ty đã vi phạm quy định này mà không bị trừng phạt. Trong khi đó, luật về bình đẳng tiền lương của Iceland nêu rõ, tất cả các công ty và đơn vị kinh doanh có ít nhất 25 nhân viên làm việc toàn thời gian đều phải cam kết chi trả thù lao công bằng cho nhân viên. Các công ty này sẽ phải trải qua quá trình thanh tra và cấp giấy chứng nhận chi trả lương bình đẳng cho cả hai giới, nếu không đạt yêu cầu họ sẽ phải chịu mức phạt khoảng 500USD/ngày. Những đơn vị được cấp chứng nhận mà không tuân thủ thực hiện cũng sẽ bị phạt.

Luật về bình đẳng tiền lương được đánh giá như một biện pháp thiết thực giúp đất nước 350.000 dân này thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập giới. Trên qui mô toàn cầu, trung bình phụ nữ chỉ được trả mức lương bằng 68% của nam giới cho cùng một công việc, theo WEF. Ngay cả Thụy Sĩ là quốc gia  nam - nữ bình quyền hàng đầu thế giới, nhưng tháng 6 vừa qua, hàng ngàn phụ nữ tại đây đã đồng loạt xuống đường tuần hành để yêu cầu trả lương bình đẳng hơn. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ, trung bình phụ nữ nước này kiếm được ít hơn 12% so với nam giới đối với công việc giống nhau.

Không chỉ ban hành luật về bình đẳng tiền lương, Iceland cũng nỗ lực đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các chức vụ cao nhất của công ty. Hiện nay, phụ nữ Iceland đã hiện diện rõ rệt ở những vị trí cấp cao và quản lý, khi lần lượt chiếm 41,9% và 45,9% đối với hai vai trò này.

HẠNH NGUYÊN (Theo The CEO Magazine)