(Tạp chí KTVN 229) – Sau 1945, kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng rất khó khăn. Người Nhật đã chọn nông thôn làm nơi khởi phát lại nền kinh tế.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG SẴN CÓ TIỀM NĂNG
Tại Việt Nam, tỉnh Tuyên Quang sở hữu địa hình đặc biệt kiến tạo nên bức tranh núi non hùng vĩ với những cảnh đẹp ngoạn mục. Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương này đặt mục tiêu đến năm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Nhờ phát triển du lịch nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang tăng đáng kể. Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết, hiện tại sau khi phát triển du lịch, thu nhập bình quân của bà con là 37 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã Hồng Thái phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân đầu người của bà con lên khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Bà Đặng Thị Hà, chủ homestay Hoàng Hà cho biết, du khách đến với Hồng Thái ngắm cảnh quan thiên nhiên còn rất thích các đặc sản địa phương, rau củ quả trái vụ. Tuy nhiên, khi kết hợp với du lịch, các sản phẩm nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới tiêu thụ được.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng của huyện là sản phẩm OCOP, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, cây chè và rượu ngô men lá Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý”.
Ở phía Nam, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều loại hình phát triển du lịch đang phát triển, tập trung 4 loại hình: Du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hai loại hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới. Ví như huyện Bác Ái có làng du lịch sinh thái dân tộc Bố Lang, Làng sinh thái dân tộc Raglai. Huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm cổ Bầu Trúc và Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Huyện Ninh Hải có Làng du lịch thôn Vĩnh Hy, du lịch thôn Cầu Gãy và du lịch vườn nho Thái An xã Vĩnh Hải…
Ninh Thuận cũng được ghi nhận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Kinh, Chăm và Raglai... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Khí hậu ở Ninh Thuận có đặc thù ít mưa, nhiều nắng, là một lợi thế tự nhiên để có được những loại cây trồng vật nuôi đặc sản của địa phương như nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây xanh, nha đam... Ngành chức năng Ninh Thuận đặt mục tiêu khai thác hết tiềm năng nói trên để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, đầu tiên là số lượng lao động tham gia du lịch nông thôn ở Ninh Thuận không nhiều, chỉ với quy mô nhỏ lẻ. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn thì chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa được tổ chức bài bản.
Đặc biệt, khó khăn nhất vẫn là việc chuyển quy hoạch sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác. Ngoài ra, một số vùng nông thôn tuy đã có quan tâm đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để, trong khi đây là yếu tố tiên quyết thu hút khách du lịch.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.
Đầu tháng 7 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức "Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố". Với vùng ngoại thành rộng lớn, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện thành phố có hai sản phẩm OCOP du lịch nông thôn là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, Ths.Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), cho rằng nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau. Trong khi đó, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển nông thôn, cho rằng nhiều điểm du lịch chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.
Từ đó, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành lĩnh vực mũi nhọn để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Ví dụ, cần phải gắn kết du lịch trải nghiệm nông nghiệp với các hoạt động làng nghề; có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.
Farmstay hay còn gọi là “lưu trú nông trại”, “nghỉ dưỡng nông trại”… có thể hiểu đơn giản là hình thức du lịch gắn với các trang trại nông nghiệp, nơi cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, cùng các hoạt động như: Vui chơi, trải nghiệm sản xuất, chế biến, thu hoạch, mua sắm sản phẩm nông nghiệp trực tiếp tại trang trại… Farmstay đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới định hình ở Việt Nam và ngày càng có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, khi xu hướng du lịch xanh, bền vững, gần gũi với thiên nhiên được du khách đặc biệt quan tâm.
Là quốc gia nông nghiệp có truyền thống lao động sản xuất lâu đời, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, phù hợp canh tác đa dạng nhiều giống cây trồng, vật nuôi, cùng với đó là các giá trị văn hóa đặc sắc được hình thành gắn liền quá trình sản xuất nông nghiệp, Việt Nam được đánh giá là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó có farmstay. Đây cũng là mô hình du lịch có phân khúc thị trường rộng, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của cả trẻ em, người lớn, nhất là nhóm khách gia đình, khách du lịch quốc tế…
Theo các chuyên gia, phát triển hình thức du lịch farmstay không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mà còn giúp thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ, gia tăng nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm, bảo tồn di sản nông nghiệp và quảng bá văn hóa địa phương. Thời gian qua, mô hình farmstay nở rộ khá mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố của nước ta, như: Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… Nhiều farmstay trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển farmstay tại nước ta đặt ra không ít vấn đề. Trong Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách”, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho biết: Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương, định hướng lớn của nước ta, được thể hiện xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản của Chính phủ.
Tuy nhiên, liên quan vấn đề phát triển farmstay, Việt Nam vẫn chưa có những văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, trong khi đây là loại hình mang tính đặc thù và liên ngành, được quy định, điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong công tác quản lý, cả trong khuyến khích phát triển farmstay cũng như xử lý sai phạm đối với loại hình kinh doanh này.
Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển loại hình farmstay tại nhiều địa phương ở Việt Nam là rất lớn, nhưng không phải tất cả đều được quy hoạch trong khu vực đất thương mại dịch vụ. Nhiều địa phương xảy ra trường hợp đất được quy hoạch thương mại dịch vụ thì không có tiềm năng phát triển farmstay, còn đất có tiềm năng phát triển farmstay lại không được quy hoạch đất thương mại, dịch vụ. Việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển loại hình farmstay ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quy hoạch của địa phương.
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư lợi dụng kinh doanh farmstay để đầu cơ đất nông nghiệp, kinh doanh bất động sản trái phép, làm thay đổi tính chất, quy mô và mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, không ít farmstay hoạt động tự phát cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn cho khách du lịch trong quá trình tham quan, trải nghiệm…
Vì thế, để thúc đẩy phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, vấn đề quan trọng là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về farmstay, đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch để tận dụng tối đa tiềm năng của mô hình này, bảo đảm sự phát triển bền vững và có lợi cho cả cộng đồng địa phương và du khách. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, về xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như phổ biến kinh nghiệm, kiến thức quản lý cho người dân đối với mô hình kinh doanh mới này, như kỹ thuật canh tác nông nghiệp, kỹ năng giao tiếp du lịch…
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, tiêu chí về farmstay gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm định hướng cho các địa phương đầu tư xây dựng, tổ chức không gian điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, điểm đến farmstay đáp ứng yêu cầu khai thác các giá trị đặc trưng. Ngành du lịch cũng cần phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình phục vụ một số dịch vụ du lịch cơ bản tại các điểm farmstay, tổ chức chương trình tập huấn cho người dân phục vụ du lịch.
Các chuyên gia lưu ý, muốn mô hình farmstay có sự độc đáo, khác biệt, cần đặc biệt quan tâm tới khai thác, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, như hướng du khách trải nghiệm các phương thức canh tác truyền thống, học cách nấu các món ăn địa phương, tham gia vào các nghi lễ, lễ hội truyền thống… Trong thiết kế, xây dựng cơ sở farmstay, cần duy trì hoặc thậm chí phục hồi kiến trúc truyền thống của khu vực.
Phát triển các farmstay đúng hướng, đúng quy định sẽ tạo nhiều ưu thế trong phát triển sản phẩm du lịch mang mầu sắc, đặc trưng văn hóa bản địa, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.